Sản xuất Mùa_hè_chiều_thẳng_đứng

Hoàn cảnh

Phim lấy bối cảnh chính tại Hà Nội.[7]

Năm 1995, đạo diễn Trần Anh Hùng phát hành phim tiếng Việt Xích lô, lấy bối cảnh tại Sài Gòn.[8] Trong thời gian ghi hình, anh trở về Hà Nội để nghỉ ngơi trong dịp lễ Giáng sinh. Tại đó, anh bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp gợi cảm và thân mật của thủ đô: "Sau những ồn ào lúc thực hiện Xích lô, tôi lại tìm thấy sự hài hòa tiềm ẩn ở Hà Nội. Tôi biết mình nợ thành phố này một bộ phim." Đạo diễn mô tả Hà Nội là nơi duy nhất khiến anh cảm thấy "mối quan hệ giữa đàn ông và phụ nữ có thể được xúc tác bởi sự hững hờ chân thực".[9]

Sau chuyến đi tới Hà Nội, đạo diễn gợi nhớ lại những giấc mơ buổi ban trưa và ký ức tuổi thơ tại Đà Nẵng của mình: "Những giờ phút nhẹ nhàng... Từng làn gió thổi, những buổi chiều bất động, ru ngủ bởi tiếng vo ve của côn trùng, say sưa mùi quả chín rụng dưới gốc cây".[10][11] Bên cạnh đó là trải nghiệm cá nhân về sự rạn nứt của gia đình, được tác giả miêu tả là "sự hòa hợp không thể phá vỡ".[10] Lớn lên tại Pháp, sự khó khăn trong việc duy trì cuộc sống thuần Việt ở xã hội Tây phương khiến tác giả cảm thấy "có gì đó ngăn mình lại, mình hơi bị nín thở, mình hơi bị treo lửng". Tâm tư này được gửi gắm vào nhân vật Quốc, người "sống giữa hai người đàn bà, làm cho anh ta có cảm giác không thể thở được".[12]

Sáng tác và diễn viên

Trần Anh Hùng miêu tả đây là "một bộ phim hài gợi cảm, dịu dàng mà chua cay",[6] kể về "nhiều vấn đề, trong đó có sự bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa",[13] "sự hài hòa" hoặc "sự khéo léo giữ thể diện" giữa các nhân vật. Phim mang phong cách nhẹ nhàng, cho phép những hình ảnh bất động và ngưng đọng về mặt thời gian để truyền đạt sự hài hòa và mưu cầu hạnh phúc của các nhân vật, cũng như ấn tượng tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội. Thay vì miêu tả trải nghiệm đời thường của các nhân vật theo hướng tư liệu, nhũng hình ảnh trong bộ phim lột tả những bí mật hoặc ký ức hài hòa mà họ giữ kín. Trần Anh Hùng cho rằng, "sự hài hòa mà họ truyền tải có một nét đẹp riêng, một nét đẹp bị vấy bẩn bởi sự cay đắng và u sầu".[14]

Trần Anh Hùng quen biết các diễn viên trước khi viết kịch bản, thế nên các nhân vật trong phim phản ánh hình ảnh thật của diễn viên theo góc nhìn của tác giả.[15] Trong kịch bản đầu tiên, lúc này mang tên Hà Nội ngày không mưa,[16] đạo diễn chọn tên nhân vật giống với tên diễn viên để phục vụ sáng tác. Sau đó, diễn viên được quyền chọn tên theo ý thích, cũng như đưa những chi tiết tương đồng từ đời thực vào vai diễn của họ.[15] Tên của các nhân vật chính bao gồm Lê Khanh vai Khanh, Liên là tên ở nhà của Trần Nữ Yên Khê, riêng Như Quỳnh từ chối dùng tên thật.[17]

Vai Sương được Trần Anh Hùng viết riêng cho nữ diễn viên Như Quỳnh.[17][18]

Mùa hè chiều thẳng đứng đánh dấu lần hợp tác thứ hai giữa nữ diễn viên Như Quỳnh và đạo diễn Trần Anh Hùng, sau Xích lô.[18][19] Như Quỳnh là nguồn cảm hứng trong quá trình tạo nên kịch bản Mùa hè chiều thẳng đứng.[17] Là một người thân thiết với gia đình cô,[18] Trần Anh Hùng quan sát từ những bữa ăn đến lối sống của họ, cùng những cảnh vật trong quán cà phê của vợ chồng nhà cô, nằm trên con phố Bát Đàn, để áp dụng trong nhiều chi tiết phim.[17]

Đạo diễn viết riêng vai Sương cho diễn viên Như Quỳnh.[18] Vẻ ngoài của Như Quỳnh và nhân vật này có nhiều điểm tương đồng: một người phụ nữ Hà Nội cổ điển, hướng về gia đình, nhuần nhã và tinh tế; nhưng cũng giống với hình ảnh bà Buồn trong Xích lô, người phụ nữ ấy mang trong mình đời sống tinh thần phức tạp và sự nổi loạn âm thầm.[17][18] Sau khi được Như Quỳnh giới thiệu về hoa tường vi, hầu hết cảnh quay nội thất của nhân vật Sương đều xuất hiện một bình hoa tường vi.[17]

Lê Khanh yêu thích không khí "như một hơi thở bình thản chứa đầy nhựa sống" của bộ phim, làm toát lên "một sức sống mãnh liệt đến hồi hộp và đợi chờ".[20] Cô cảm thấy lời thoại của các nhân vật trong ngày giỗ mang tới sự chân thật từ đời sống, "nó dí dỏm và hấp dẫn. Điện ảnh phải phản ánh cuộc sống thật một cách chắt lọc. Chúng ta cứ trốn tránh cái thật nên toàn nói cái giả. Nếu gạt bỏ những chi tiết sống đó thì còn lại toàn cái giả vờ với nhau."[21] Trước khi tham gia Mùa hè chiều thẳng đứng, Trần Nữ Yên Khê theo trường Kiến trúc và Thiết kế Camondo tại Pháp, rồi diễn xuất và thiết kế mỹ thuật trong hai bộ phim Xích lô và Mùi đu đủ xanh (1993) của chồng.[22] Tuy xuất hiện "không thua kém" nhau trên màn ảnh, các diễn viên chính lại nhận số tiền thù lao khác nhau: Yên Khê được trả 500.000 đô-la Mỹ, còn Như Quỳnh và Lê Khanh chỉ nhận vài nghìn đô-la Mỹ.[23]

Trải qua đào tạo trở thành nhà biên đạo múa, Lê Vũ Long tay ngang chuyển sang phim ảnh mà không màng đến thời lượng xuất hiện. Dù trước đó không quen biết, Trần Anh Hùng đã mua vé máy bay khứ hồi từ Pháp đến Việt Nam trong 2 ngày để mời Lê Vũ Long nhận một vai phụ "thấp thoáng màn ảnh".[24] Cũng xuất thân từ ngành múa, Đỗ Thị Hải Yến được đạo diễn giao cho một vai phụ, lúc này mới chỉ 16 tuổi.[25] Đây là một trong những vai diễn đầu tiên của cô, sau khi tham gia một bộ phim bị bỏ dở của đạo diễn Vinh Sơn năm 13 tuổi.[26] Trong giai đoạn tuyển vai, cô gặp gỡ Ngô Quang Hải[27]—một diễn viên khác trong phim, người từng cộng tác trong Xích lô.[28] Họ kết hôn vào năm 2003.[29]

Dàn dựng và âm nhạc

Phim do Hãng phim truyện Việt Nam, Canal+, arte France Cinéma, Lazennec Films và Zweites Deutsches Fernsehen hợp tác sản xuất.[30][31] Theo Benoit Barouh, nhà thiết kế sản xuất của Mùa hè chiều thẳng đứng, công việc thiết kế tập trung vào tô điểm cho thời gian, tìm một tông điệu, một mức độ vừa phải để nhận dạng và hiện thực hóa khung cảnh.[32] Đạo diễn chú trọng đến ngoại cảnh của bộ phim; khi quay cảnh bức tường rêu phong trong quán cà phê, anh thuê thợ tạo mẫu cho bức tường hơn 1 tháng cho đúng ý đồ của mình.[33]

Trong những cảnh quay buổi sáng của Liên và Hải tại căn hộ, Trần Nữ Yên Khê chọn lối diễn xuất bằng hình thể và học hỏi cách làm nũng khi tỉnh dậy của một con mèo. Trần Anh Hùng nhấn mạnh tính quan trọng của những cảnh phim này, vì dù "hầu như không có thoại, nhưng nhất thiết phải đầy ắp không khí. Không khí của những người biết thở và không quên mình đang thở."[22][34] Cảnh tắm đêm của 3 chị em quay ở Hà Nội giữa thời tiết oi nóng của tháng 7. Như Quỳnh bị ngấm lạnh sau cảnh quay, vì phải làm lại đến 15 lần, từ 1 giờ đến 4 giờ sáng.[35] Trong cảnh ba chị em bên cạnh con gà lễ trên chiếc đĩa men sứ, nhóm đạo cụ mang nồi nước gà luộc còn ấm nóng theo tới trường quay. Cứ một lúc, con gà lại được nhúng vào để giữ độ ẩm cũng như màu sắc óng ả. Họ còn phải ươm từng ngọn lá khoai, nuôi từng con cào cào để phục vụ cảnh quay một chú cào cào nhảy trên ngọn lá đẫm sương.[36]

Tôn Thất Tiết đảm nhận phần nhạc nền cho bộ phim.[33] Trần Anh Hùng mong muốn âm nhạc trong bộ phim "truyền đạt cảm xúc vừa mơ hồ vừa chua cay, một góc nhìn thiện cảm đối với những câu chuyện của mọi người đang diễn ra trước mắt ta". Âm nhạc không nhấn mạnh vào hành động, mà chỉ điểm tô, xác nhận, suy ngẫm và bày tỏ quan điểm về tình huống, qua đó bộc lộ tâm hồn của người xem. Giai điệu lặp lại cùng sự tiến triển của âm nhạc giúp tạo nên nhịp độ chậm chạp đến bất động của bộ phim.[37]

Phim sử dụng nhạc phẩm của Arab Strap, The Married Monk,[38] hai nhạc phẩm của Lou Reed "Pale Blue Eyes" và "Coney Island Baby", bên cạnh các bài tình khúc của Trịnh Công Sơn như "Cuối cùng cho một tình yêu", "Nắng thuỷ tinh" và "Rừng xưa đã khép".[39] Bài nhạc của Trịnh Công Sơn không được dịch phụ đề và bị gạt bỏ hết những chất biểu diễn và sân khấu, giữ lại chất gần gũi và thân mật cho khán giả.[33] Các bài hát tiếng Anh và tiếng Việt có những chỗ đứng khác nhau trong bộ phim.[37]

Trịnh Cung, tác giả bài thơ mà Trịnh Công Sơn lấy làm nguyên tác cho ca khúc "Cuối cùng cho một tình yêu", lên tiếng về sự vi phạm bản quyền của Mùa hè chiều thẳng đứng. Sau khi mua đĩa vào tháng 11 năm 2010, Trịnh Cung phát hiện bộ phim sử dụng ca khúc này 3 lần, nhưng không đề tên ông trong phần giới thiệu cuối phim. Ông đã ba lần gửi thư điện tử đến hãng phim Lazennec vào đầu tháng 12 năm 2010 nhưng tính đến đầu năm 2011 vẫn chưa được hồi âm. Hãng Lazennec có ký hợp đồng với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và đã chi trả tác quyền, nhưng chưa liên lạc đến nhà thơ Trịnh Cung.[40]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mùa_hè_chiều_thẳng_đứng http://www.boxofficemojo.com/movies/?id=verticalra... http://www.boxofficemojo.com/yearly/chart/?view2=w... http://www.boxofficemojo.com/yearly/chart/mpaarati... http://www.festival-cannes.com/en/films/a-la-verti... http://www.indiewire.com/2000/08/toronto-2000-cont... http://www.metacritic.com/browse/movies/score/meta... http://www.metacritic.com/movie/at-the-height-of-s... http://offscreen.com/view/hkiff2 http://www.rogerebert.com/reviews/the-vertical-ray... http://www.rottentomatoes.com/m/vertical_ray_of_th...